Mô hình 5 tác động Porter Forces có lẽ không còn xa lạ đối với các nhà quản trị chiến lược. Mô hình này xuất bản lần đầy trong cuốn sách “Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors” (Tạm dịch: Chiến lược cạnh tranh: Kỹ thuật phân tích ngành và đối thủ cạnh tranh) của Michael E. Porter năm 1980.  

Mô hình 5 tác động Porter Forces phân tích 5 lực lượng môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển, mức độ cạnh tranh, sức hấp dẫn và lợi nhuận của một ngành hoặc thị trường. Nhờ đó, các nhà quản trị có thể nắm được vị trí của công ty, doanh nghiệp mình đang đứngđịnh hướng chiến lược để đạt được vị trí mà doanh nghiệp mong muốn.  

Năm tác động trong mô hình của Michael Porter gồm:  

  1. Sức mạnh thương lượng của người mua 
  2. Sức mạnh thương lượng của nhà cung cấp 
  3. Mối đe dọa của những “người chơi” mới 
  4. Mối đe dọa đến từ nhân tố  thay thế 
  5. Sự cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại 

Phân tích 5 tác động Porter Forces với NIKE  

Nike Inc. Là một trong những “ông lớn” trong thị trường giày dép, quần áo, phụ kiện, trang thiết bị và dịch vụ liên quan đến thể thao. Phân tích 5 tác động Porter Forces trong trường hợp của Nike chỉ ra rằng sự cạnh tranh giữa các đối thủ và sức mạnh thương lượng của người mua là những lực lượng tác động nhiều nhất tới sự phát triển của Nike.  

1. Sự cạnh tranh giữa các đối thủ hiện tại  

Sự cạnh tranh trong ngành thời trang thể thao ngày càng gay gắt vì sự hiện diện của nhiều công ty quốc tế. Một số đối thủ đối đầu trực tiếp với Nike có thể kể đến như: Adidas, Reebok, Puma, Fila và New Balance. Khách hàng ngày càng nhiều sự lựa chọn đa dạng nên thử thách dành cho Nike cũng ngày càng lớn.  

Mặc dù Nike có lợi thế hơn về thị phần so với các đối thủ khác nhưng Nike luôn phải đối mặt với các thương hiệu xuất sắc khác như Adidas hay Puma. Ngoài ra, tại các thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc hay Châu Á, Nike cũng phải “dè chừng” trước những thương hiệu nội địa trẻ trung và thấu hiểu văn hóa bản địa 

2. Sức mạnh thương lượng của các nhà cung cấp  

Mức độ quyền lực của các nhà cung cấp đối với Nike thấp bởi các nhà cung cấp luôn muốn hợp tác cùng các thương hiệu quốc tế như Nike. Bằng cách sử dụng thương hiệu của mình, Nike “thống trị” các giao dịch với nhà cung cấp. Đểđược hợp đồng với Nike, các đơn vị cung cấp phải thương lượng và cố gắng thuyết phục Nike hơn là giữ vị trí thống trị (Siegman, 2008). Thứ hai, số lượng các nhà cung cấp nhiều hơn so với các công ty sản xuất sản phẩm. Điều này làm giảm khả năng thương lượng của các nhà cung cấp.  

3. Mối đe dọa từ những “người chơi” mới  

Mối đe dọa từ những thương hiệu mới gia nhập thị trường cũng gây áp lực lên Nike thông qua chiến lược định giá thấp, giảm chi phí sản xuất và cung cấp những lựa chọn mới cho khách hàng. Những thương hiệu mới có thể không có danh tiếng hay thị phần như Nike nhưng trên thực tế, họ hoàn toàn có tiềm năng trở thành một “gã khổng lồ” ở cấp độ địa phương, có thể tác động đến sức ảnh hưởng của Nike trong một khu vực hoặc quốc gia cụ thể.

4. Sức mạnh thương lượng của người mua  

Sức mạnh thương lượng của người mua nằm ở mức trung bình bởi các công ty như Nike thường sản xuất với số lượng vừa phải. Tuy nhiên, đây vẫn là yếu tố có thể gây áp lực lên lợi nhuận của Nike trong thời gian dài. Khách hàng thường “đòi hỏi” chất lượng cao nhất với mức giá thấp nhất. 

Để có thể giải quyết Sức mạnh thương lượng của người mua, các thương hiệu nên nhanh chóng đổi mới sản phẩm. Khách hàng thường tìm kiếm chiết khấu và ưu đãi đối với các sản phẩm nổi bật và lâu đời thay vì các sản phẩm mới có số lượng ít. Bằng cách này, Nike có thể hạn chế khả năng thương lượng của người mua và giữ chân khách hàng trung thành.  

5. Mối đe dọa từ những nhân tố thay thế  

Khi một sản phẩm hoặc dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo những cách khác, lợi nhuận của thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ như các dịch vụ của Dropbox và Google Drive đã thay thế cho ổ cứng lưu trữ. Nhân tố thay thế có thể đến từ một ngành hoàn toàn khác miễn nó giải quyết được nhu cầu của khách hàng. Mối đe dọa của một nhân tố thay thế là cao nếu nó cung cấp giá trị mới so với các giá trị hiện tại của ngành.  

Đối với Nike, mối đe dọa từ các nhân tố thay thế là không đáng kể bởi không có sản phẩm thay thế cho hàng may mặc và phụ kiện thể thao. Tuy nhiên, các sản phẩm đạo nhái ngày càng tinh vi cũng gây ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của công ty.  

Từ trường hợp của Nike, có thể thấy mô hình 5 tác động của Porter có lợi ích nhất trong việc đánh giá sức cạnh tranh của doanh nghiệp từ đó đưa ra giải pháp và chiến lược kinh doanh tốt hơn. Các doanh nghiệp cũng có thể áp dụng mô hình này để xem xét gia nhập một thị trường và có quyết định đầu tư hợp lý, duy trì lợi nhuận doanh nghiệp.