Thực tế doanh nghiệp Việt cũng có chứng chỉ ISO như bao doanh nghiệp của các quốc gia khác, thế nhưng chất lượng dịch vụ, sản phẩm vẫn không thể bằng được. Phải chăng chứng chỉ ISO ở Việt Nam chỉ là chứng nhận để đối ngoại với bên ngoài mà doanh nghiệp tìm mọi cách để có được nó, kể cả việc không thực sự hiểu những lợi ích mà ISO mang lại.

ISO là một công cụ đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo hệ thống quản lý chất lượng cho doanh nghiệp hoặc một bộ phận của doanh nghiệp. Hay đơn giản hơn, ISO cung cấp cho doanh nghiệp quy trình làm việc theo một tiêu chuẩn đã có để tối ưu hóa được hiệu quả công việc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm và dịch vụ cung cấp.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể áp dụng chứng chỉ ISO để nâng cao thương hiệu, vị trí sản phẩm dịch vụ mà mình cung cấp trên thị trường, chỉ cần nhận thức được vai trò của nó đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy ngay từ đầu, các doanh nghiệp nên hình thành bộ khung xương sống, xây dựng bộ quy trình làm việc theo thực tế của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp áp dụng tốt ISO khác hẳn so với các doanh nghiệp chưa áp dụng hệ thống này. Việc thực hiện nghiêm túc từ nội quy trong nội bộ của công ty đến quy cách làm việc của tất cả mọi người với những quy trình, quy định, biểu mẫu được cụ thể hóa  và dễ dàng để thực hiện theo. Điều đó đã giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa năng suất cho nhân viên và mang lại kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn.

Quy trình làm việc chuẩn chỉnh giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được năng suất, mang lại cho doanh nghiệp giá trị uy tín, chất lượng trên thị trường. Nếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, liệu bạn có lựa chọn con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp?