Khái niệm về Bản sắc doanh nghiệp xuất hiện từ những năm 70 bởi những nhà tư vấn truyền thông của Hoa Kỳ. Cốt lõi của khái niệm này đó là một bản sắc rõ ràng giúp doanh nghiệp trở nên độc đáo và nổi bật so với đối thủ, nhằm đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp.  

Bản sắc doanh nghiệp đề cập tới những đặc tính thương mại được nhận biết của một doanh nghiệp hoặc tổ chức. Bản sắc này định hình cả hình ảnh bên trong và bên ngoài của công ty. Sự phát triển và quản trị bản sắc cần được lên kế hoạch chiến lược dài hạn để phù hợp với sứ mệnh của doanh nghiệp.  

Mục đích của bản sắc doanh nghiệp đó là đảm bảo hình ảnh doanh nghiệp được thể hiện nhất quán với công chúng và nhân viên. Vì vậy, tất cả các hoạt động kinh doanh hay nội bộ phải được phối hợp và dung hòa để phù hợp với lý tưởng của nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, việc duy trì sự tuân thủ nhất quán bản sắc doanh nghiệp sẽ là một thách thức lớn với hầu hết doanh nghiệp.  

Những lợi ích từ bản sắc doanh nghiệp  

Các doanh nghiệp phát triển bản sắc riêng để tạo niềm tin và tạo sự khác biệt so với đối thủ, từ đó giúp doanh nghiệp nổi bật trên thị trường và ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng. Xây dựng chiến lược bản sắc doanh nghiệp một cách nhất quán và bài bản giúp doanh nghiệp tăng sự hiện trên thị trường và tạo dựng danh tiếng theo thời gian.  

Một bản sắc rõ ràng và thống nhất còn thúc đẩy lòng trung thành của nhân viên và khách hàng. Sự thống nhất tại mọi điểm chạm giúp khách hàng dễ dàng kết nối và phát triển lòng trung thành với doanh nghiệp. Bên trong nội bộ, bản sắc doanh nghiệp giúp đảm bảo nhân viên hoạt động phù hợp với bộ giá trị, tạo nên một văn hóa doanh nghiệp tích cực.  

Quản trị bản sắc doanh nghiệp bao gồm quản trị 3 yếu tố sau 

1. Thiết kế doanh nghiệp 

Bản sắc doanh nghiệp thường bị hiểu lầm là thiết kế doanh nghiệp. Tuy nhiên các yếu tố trực quan của doanh nghiệp chỉ là một khía cạnh của bản sắc doanh nghiệp. Trên thực tế, thiết kế doanh nghiệp là yếu tố thể hiện bản sắc rõ ràng nhất. Các yếu tố thiết kế doanh nghiệp bao gồm logo, bộ nhận diện thương hiệu, sự hiện diện trực quan trên các nền tảng thương mại, truyền thông và bao bì sản phẩm.  

2. Hành vi doanh nghiệp  

Hành vi doanh nghiệp đề cập tới mọi hoạt động của doanh nghiệp đối với các bên liên quan. Ngoài các hành vi bên ngoài ảnh hưởng tới khách hàng, các phương tiện truyền thông và công chúng, hành vi doanh nghiệp còn được định hình bới các vấn đề nội bộ, bao gồm: Đối xử với nhân viên, phong cách lãnh đạo của đội ngũ quản lý,… Nhân viên cũng có thể ảnh hưởng tới hành vi doanh nghiệp dựa trên những giá trị mà họ áp dụng.  

3. Truyền thông doanh nghiệp 

Ngôn ngữ và phong cách giao tiếp nhất quán cũng là những thành phần quan trọng của bản sắc doanh nghiệp. Truyền thông doanh nghiệp liên quan đến cách thông tin đến nhân viên, nhà đầu tư, khách hàng và các bên liên quan: Thông cáo báo chí, quảng cáo, truyền thông nội bộ hay liên lạc với khách hàng, nhân viên,…  

Việc triển khai nhất quán bản sắc doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở sự hiện diện của doanh nghiệp trước công chúng mà còn bao gồm các mối quan hệ nội bộ doanh nghiệp. Bản sắc doanh nghiệp rõ ràng và nhất quán giúp doanh nghiệp trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, phục vụ cho các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, bản sắc doanh nghiệp cần được lên kế hoạch và thực hiện có chiến lược bài bản.