Bệnh thứ nhất: Mơ hồ chiến lược

Đây là căn bệnh mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp phải, thiếu sự hoạch định và đánh giá về 5 vấn đề lớn, gồm:

  1. Điểm mạnh, yếu về quản trị, văn hóa doanh nghiệp, nguồn lực.
  2. Những cơ hội và thách thức về kinh tế, công nghệ, khách hàng và đối thủ cạnh tranh.
  3. Đánh giá doanh nghiệp thường xuyên trong quá trình phát triển kinh doanh.
  4. Chiến lược qua từng thời kỳ hoạt động.
  5. Sự chia sẻ chiến lược giữa bộ máy lãnh đạo và bộ phận thừa hành.

Bệnh thứ hai: Kỹ năng quản trị tuỳ tiện

Bệnh này thể hiện ở hoạt động dẫn dắt và hoạt động kiểm tra của lãnh đạo doanh nghiệp có vấn đề. Khi lãnh đạo doanh nghiệp giao việc cho cấp dưới thường giao một chiều, không hướng dẫn công việc, không động viên nhân viên, thiếu sự đồng cảm chia sẻ với nhân viên.

Trong hoạt động kiểm tra, doanh nghiệp thiếu theo dõi hoạt động của nhân viên thường xuyên, không so sánh hiệu qủa công việc của nhân viên, khi nhận viên có sai sót thì đổ thừa, không giúp họ sửa sai.

Bệnh thứ ba: Kế hoạch tài chính nhập nhằng

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay không cho cấp dưới biết những thông tin về nguồn vốn, lời, lỗ, dòng tiền với những phân tích thấu đáo nên nhân viên rất thiếu thông tin, hạn chế sự sáng tạo phấn đấu đưa doanh nghiệp phát triển.

Việc đối chiếu sổ sách, chứng từ, hoá đơn làm không đến nơi đến chốn, bộ phận kế toán tài chính không thường xuyên rà soát, phân tích và đề xuất những sáng kiến làm lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Bênh thứ tư: Thiếu quan tâm về nhân sự

Nhiều doanh nghiệp dù luôn nói con người quan trọng nhưng chỉ tiêu chỉ thấy con số mà không thấy chiến lược cũng như kế hoạch và thực thi việc hoạch định chiến lược nhân sự, không phân biệt được vai trò giữa quản trị nhân sự và quản trị nguồn nhân lực, nhầm lẫn giữa duy trì động lực và tạo động lực bên trong của đội ngũ nhân viên, không phát triển được lực lượng kế thừa và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ doanh nghiệp.

Bênh thứ năm: Marketing ngẫu hứng không rõ mục tiêu

Doanh nghiệp thiếu hoạch định chiến lược marketing, thiếu định vị sản phẩm (nhắm tới đối tượng khách hàng là ai, tạo sự khác biệt sản phẩm của mình để cạnh tranh); xem việc phát triển thương hiệu như là làm quảng cáo mà không coi phát triển thương hiệu như phát triển một con người, không thiết lập được hệ thống phân phối hiệu qủa.

Bệnh thứ sáu: Sản xuất theo cách thức cũ

Doanh nghiệp chưa xác định được chiến lược hoạt động sản xuất luôn phục vụ cho chiến lược kinh doanh, chưa thiết lập hệ thống quản lý chất lượng thực sự; chưa quản lý chi phí chất lượng; chưa liên tục cải tiến chất lượng do chưa tạo được môi trường thúc đẩy sản xuất và sáng tạo trong doanh nghiệp.

Bệnh thứ 7: Tâm lý sợ thay đổi

Công nghệ và khoa học kỹ thuật có tác động vô cùng lớn đến cách vận hành và hoạt động của các doanh nghiệp. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp không chịu thay đổi cách thức hoạt động của mình. Chính vấn đề này khiến cho doanh nghiệp ngại chữa bệnh bằng giải pháp hệ thống quản trị doanh nghiệp – loại thuốc có thể phòng và giảm thiểu bệnh thứ 1 đến bệnh thứ 6.

Trên đây là một số căn bệnh mà doanh nghiệp Việt thường gặp phải. Vì vậy mà mỗi CEO cần phải có tư duy thay đổi, nhìn nhận đúng những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp mình để có kế hoạch, chiến lược phát triển đúng hướng.