Theo John Bersin – Chủ tịch và sáng lập viên của Bersin & Associates – tổ chức nghiên cứu, tư vấn về đào tạo doanh nghiệp và quản lý nhân tài:” Trải nghiệm nhân viên có thể hiểu là tất cả những trải nghiệm, tương tác của một cá nhân trong suốt hành trình của mình tại doanh nghiệp, từ khi là ứng viên cho đến khi trở thành cựu nhân viên”.  

Trải nghiệm nhân viên là nền tảng tạo ra hiệu quả của mọi hoạt động trong doanh nghiệp bởi mọi quá trình cung cấp trải nghiệm khách hàng, cải thiện sản phẩm hay định vị thương hiệu vững mạnh đều cần có sự tham gia của từng cá nhân trong tổ chức.  

Để quản trị tốt trải nghiệm nhân viên, doanh nghiệp cần lắng nghe nhân viên của mình trong mỗi giai đoạn trong quá trình làm việc, xác định điều gì là mối quan tâm của nhân viên, từ đó làm cơ sở để tạo ra những trải nghiệm được cá nhân hóa cho nội bộ doanh nghiệp.  

Dưới đây là 5 giai đoạn trong hành trình trải nghiệm nhân viên mà các doanh nghiệp cần lưu ý:  

Giai đoạn 1: Tuyển dụng 

Giai đoạn tuyển dụng bao gồm toàn bộ các bước trong quy trình tuyển dụng một nhân viên mới. Để gây ấn tượng tốt với các ứng viên, doanh nghiệp cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về thời gian tuyển dụng, chi phí, tỷ lệ thành công và chất lượng của việc tuyển dụng. Ngoài ra, bộ phận tuyển dụng cũng có thể tiến hành khảo sát để xác định quảng cáo tuyển dụng của công ty có đủ hấp dẫn và rõ ràng để thu hút sự chú ý của ứng viên không? Quá trình phỏng vấn có đảm bảo các ứng viên giỏi sẽ nhanh chóng chấp nhận lời mời làm việc hay không? Trải nghiệm tổng thể của ứng viên như thế nào?  

Giai đoạn 2: Hội nhập 

Là nhân viên mới, họ cần làm quen với hệ thống, công cụ và quy trình làm việc. Hầu hết nhân viên đều cần một khoảng thời gian nhất định để bắt kịp tốc độ làm việc và thành thạo hơn. Đảm bảo quá trình hội nhập của nhân viên mới nhanh chóng và hiệu quả sẽ giúp hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn. Qúa trình hội nhập được xây dựng tốt cũng trở thành động lực làm việc cho nhân viên mới và tạo ra sự kết nối lâu dài hơn.  

Giai đoạn 3: Phát triển 

Học hỏi và phát triển bản thân là một quá trình diễn ra liên tục và không ngừng nghỉ. Mỗi nhân viên có một tốc độ phát triển khác nhau, trong một lĩnh vực khác nhau. Để nhân viên phát triển tốt nhất, người quản lý cần xem  xét hiệu quả công việc, kỹ năng và nguyện vọng thăng tiến của mỗi nhân viên. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động trao cho nhân viên những cơ hội để họ có thể phát triển kỹ năng, học tập và giao lưu.  

Giai đoạn 4: Giữ chân  

Đây là thời điểm nhân viên đã hoàn toàn hòa nhập với môi trường làm việc và có sự phát triển nhất định trong công việc, các nhà quản lý cũng cần lên chiến lược giữ chân nhân tài một cách bài bản. Chiến lược này sẽ truyền cảm hứng và giúp nhân viên xác định được những giá trị trong công việc àm họ đang làm, đảm bảo họ sẽ tiếp tục gắn bó và cống hiến cho công ty. 

Chiến lược giữ chân người tài cũng mang ý nghĩa kinh tế cho công ty bởi chi phí để thay thế một nhân viên có thể lên tới 50-60% mức lường hàng năm bỏ ra cho vị trí đó.  

Giai đoạn 5: Rời đi  

Có rất nhiều lý do để một nhân viên nghỉ việc như: Nghỉ hưu, thay đổi môi trường làm việc hoặc thử sức với vai trò mới,… Nhân viên có thể nghỉ việc tại bất kì thời điểm nào và xác định được lý do họ rời khỏi doanh nghiệp là một cơ hội tốt để cải thiện và phát triển trải nghiệm nhân viên. Theo nghiên cứu, nhân viên sắp nghỉ việc còn cởi mở và trung th ực hơn về lý do nghỉ việc.  

Nhân viên tốt là khoản đầu tư quan trọng và tài sản quý giá của mọi doanh nghiệp. Hành trình trải nghiệm của một nhân viên đòi hỏi doanh nghiệp cần đầu tư và cải thiện liên tục mọi điểm chạm trong hành trình đó. Trải nghiệm nhân viên tốt sẽ thu hút và giữ chân người tài, tạo ra đội ngũ nhân sự mạnh cho doanh nghiệp. Bằng việc xây dựng trải nghiệm tích cực cho nhân viên, các doanh nghiệp cũng giảm thiểu được chi phí và quá trình luân chuyển nhân viên, từ đó tập trung vào những hoạt động kinh doanh cốt lõi.