Trải nghiệm nhân viên là tổng hòa các cảm xúc của nhân viên từ các tương tác giữa nhân viên và doanh nghiệp, bao gồm cả những tương tác từ khi tuyển dụng cho đến các tương tác trong thời gian làm việc và sau khi nghỉ việc. Để kiến tạo trải nghiệm tuyệt vời cho nhân viên, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng đồng thời cả 3 yếu tố: văn hóa doanh nghiệp, không gian làm việc và công cụ hiện đại.
Tại sao doanh nghiệp cần chú trọng trải nghiệm nhân viên
Trải nghiệm nhân viên tích cực sẽ thúc đẩy sự thành công của nhân viên nói riêng và sự phát triển của doanh nghiệp nói chung. Một nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa trải nghiệm nhân viên, sự hài lòng khách hàng và tăng trưởng của doanh nghiệp.
Cụ thể, trải nghiệm nhân viên là nền tảng của sự tăng trưởng số lượng khách hàng trung thành, bởi nhân viên chính là người giao tiếp và phục vụ khách hàng của doanh nghiệp. Nhân viên có trải nghiệm tốt, hài lòng với công việc đang làm thì họ sẽ hết mực phục vụ khách hàng, đem đến trải nghiệm tích cực cho khách hàng. Khách hàng hài lòng sẽ gắn bó với thương hiệu, chi tiêu nhiều hơn và giới thiệu thêm nhiều khách hàng mới cho doanh nghiệp.
3 nhân tố kiến tạo trải nghiệm tuyệt vời cho nhân viên
Văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố được nhắc đến đầu tiên và nhiều nhất khi nói về trải nghiệm nhân viên. Văn hóa doanh nghiệp cấu thành bởi nhiều yếu tố như giá trị cốt lõi, cơ cấu tổ chức, phong cách lãnh đạo, lương thưởng và phúc lợi, sự tham gia của nhân viên,… Những điều này tác động đến cảm nhận của nhân viên khi làm việc và tạo nên sự mong muốn cống hiến của nhân viên dành cho tổ chức.
Không gian làm việc
Không gian làm việc bao gồm các yếu tố như vị trí, cách bố trí văn phòng và các tiện ích cho nhân viên khi làm việc ở văn phòng như chỗ đỗ xe, khu vực ăn trưa, khu vực nghỉ ngơi giữa giờ,… Không gian làm việc còn bao gồm cả việc cho phép nhân viên làm việc từ xa tại nhà, cho phép họ nhiều quyền lựa chọn hơn đối với môi trường làm việc.
Công cụ hiện đại
Ngày càng nhiều công cụ hữu ích ra đời để giúp con người làm việc hiệu quả hơn, năng suất hơn như máy vi tính, điện thoại, hệ thống thư tín trao đổi, công cụ quản lý, công cụ tương tác. Công cụ tác động mạnh mẽ đến trải nghiệm nhân viên trong quá trình làm việc. Nếu doanh nghiệp không cung cấp công cụ hoặc công cụ lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn thì nhân viên khó có hứng thú để đổi mới, sáng tạo trong công việc. Vì vậy, doanh nghiệp cần đầu tư bổ sung, nâng cấp công cụ phù hợp với thời đại để giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn, thoải mái hơn.